Tài chính cá nhân | 06/05/2025
Thu nhập thụ động: Giấc mơ kiếm tiền khi đang ngủ – Bạn có đang bỏ lỡ? (P2)
Warren Buffett từng có một câu nói bất hủ “Nếu bạn không tìm cách kiếm tiền ngay cả khi đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc cho đến hết đời”. Có lẽ không ít người đã tặc lưỡi cười “kiếm tiền lúc thức còn chưa ăn ai. Ngủ mà làm ra tiền thì ai cũng ngủ”. Tuy nhiên, chính hiểu lầm tai hại này đã khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội để tiến tới tự do tài chính vì họ đang không tận dụng hết sức mạnh của thu nhập thụ động.
Tiếp nối Series Tài chính cá nhân, hôm nay DNSE sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu về thu nhập là gì? Làm sao để “tiền đẻ ra tiền” và hành trình tiến tới tự do tài chính.
1. Thu nhập chủ động là gì?
1.1. Khái niệm thu nhập chủ động
Quay trở lại với ví dụ về anh Hùng – Kế toán trưởng công ty A với mức lương 20.000.000đ/tháng, có làm thêm chuyên gia tư vấn tài chính ngoài giờ và cả đầu tư mà DNSE đã đề cập ở bài Thu nhập chủ động trước.

Cụ thể, anh Hùng tham gia đầu tư chứng khoán tại Entrade X by DNSE theo hướng tích sản dài hạn. Hàng tháng anh dùng một khoản từ thu nhập chủ động để mua cổ phiếu. Hàng năm, anh thường được công ty chia cổ tức bằng tiền mặt, đó chính là thu nhập thụ động. Khoản thu nhập này anh không cần tăng ca, không cần làm thêm hay bỏ ra thời gian, công sức như công việc kế toán hay tư vấn,…
Tóm lại, nguồn thu thụ động chính là khoản tiền bạn kiếm được mà không cần phải làm việc trực tiếp liên tục như từ đầu tư, cho thuê tài sản hoặc bản quyền sáng tạo. Nó giúp bạn duy trì dòng tiền ngay cả khi không chủ động lao động mỗi ngày.
1.2. Phân biệt thu nhập chủ động với thụ động
Tham khảo ngay bài Thu nhập chủ động – Chìa khóa tự do tài chính cho người hiện đại (Phần 1) để tìm hiểu sự khác nhau giữa thu nhập chủ động và thụ động.
2. Đặc điểm của thu nhập thụ động là gì?

- Không yêu cầu làm việc liên tục để tạo ra thu nhập
Như phần ví dụ ở phần khái niệm, đây là dòng tiền có thể nhận được ngay cả khi chúng ta không phải làm việc hàng ngày. Nó vận hành gần như tự động, khác với thu nhập chủ động và tất nhiên cũng cần thời gian và nguồn vốn ban đầu.
- Cần đầu tư ban đầu (thời gian, tiền bạc, chất xám)
“Tiền sinh ra tiền” nhưng không có nghĩa là “tự sinh” mà không cần tác động gì từ con người. Chúng ta cũng cần bỏ ra sự đầu tư nhất định ban đầu chẳng hạn như anh Hùng dùng thu nhập chủ động để mua cổ phiếu hay chị Hương dùng chất xám để viết sách và bán bản quyền sáng tạo,…
Thậm chí việc bạn tham gia các khóa học online về tài chính hoặc chứng khoán trên Internet cũng là đang tạo ra nguồn thu nhập thụ động cho những người làm ra khóa học đó. Vì họ chỉ cần đầu tư chất xám ban đầu và cứ duy trì bán năm này qua năm nọ.
- Khả năng duy trì và tạo thu nhập lâu dài
Mục tiêu của anh Hùng khi đầu tư vào nguồn thu cổ tức đó chính là để bắt đầu xây dựng quỹ hưu trí cho tương lai. Hoặc chị Hương khi viết sách là để có thể tạo ra nguồn thụ động ổn định từ việc nhận phí bạn quyền hàng năm,…
Vì vậy, nếu có kế hoạch bài bản và được “chăm sóc” đúng cách, nguồn thu nhập này có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí cả đời. Đặc biệt là với những sản phẩm như sách bán chạy, căn hộ cho thuê ổn định,… có thể đem lại nguồn tiền đều đặn mà không cần tạo lại từ đầu, thỉnh thoảng chỉ mất chi phí tái bản (sách) hoặc bảo trì căn hộ.
- Vẫn cần quản lý và bảo trì định kỳ
Thu nhập thụ động không có nghĩa là “bỏ mặc”, chỉ cần đầu tư vào nó một lần duy nhất. Bạn vẫn phải theo dõi, cập nhật và điều chỉnh khi cần thiết để duy trì hiệu quả.
Chính vì vậy, anh Hùng vẫn cần theo dõi thị trường và chính sách chia cổ tức dù không thường xuyên như những người xem đầu tư là thu nhập chủ động. Hay những chủ cho thuê nhà, thỉnh thoảng cũng phải bảo trì hệ thống, nội thất,… để đảm bảo tiện nghi cho người thuê, tăng tính cạnh tranh với nhiều người cho thuê khác,…
- Tiềm ẩn rủi ro và yêu cầu sự kiên nhẫn
Không phải mô hình thụ động nào cũng thành công và tạo ra thu nhập ngay lập tức. Một số rủi ro thường gặp như viết sách nhưng sách không bán được, cho thuê nhà nhưng không có người thuê hoặc thuê không ổn định,… Thậm chí như trường hợp hưởng cổ tức của anh Hùng cũng chịu ảnh hưởng bởi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, dù là thụ động hay chủ động, chúng ta cũng cần có sự chiến lược rõ ràng, quản lý tài chính tốt và luôn sẵn sàng tâm lý cho những rủi ro vô thường trong cuộc sống.
- Khả năng mở rộng theo thời gian
Cũng như thu nhập chủ động có nhiều nguồn đang dạng, mở rộng nhờ bản thân làm việc hiệu quả, năng suất,… thu nhập thụ động cũng có thể nhân rộng. Ví dụ một một nhà đầu tư có thể sở hữu nhiều tài sản sinh lời khác nhau như vàng, bất động sản,… theo kiểu dài hạn và hưởng lợi từ thị trường.
3. Vì sao nên tạo nguồn thu nhập thụ động?
3.1. Lợi ích

- Cải thiện cuộc sống
Cuộc sống ngày càng hiện đại đi đôi với việc phát sinh nhiều khoản chi tiêu khó lường trước được. Đồng thời nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ của chúng ta cũng ngày một gia tăng. Nếu chỉ chăm chăm vào một nguồn thu nhập chủ động thì rất khó nghĩ đến việc mua nhà, mua xe,… nói gì là “dư giả” và an nhàn.
- Nền tảng tự do tài chính
Như đã đề cập, thu nhập thụ động giúp chúng không còn phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương hàng tháng. Khi nguồn thu này đủ lớn để chi trả cho các chi phí sinh hoạt, bạn có thể lựa chọn công việc mình đam mê, du lịch những nơi mình thích, hay như giới trẻ thường có câu “shopping không cần nhìn giá”.
Xa hơn là việc không lo gánh nặng kinh tế hiện tại, tương lai, cho bản thân và cả người thân. Đó chính là tự do tài chính.
- Tăng sự an toàn tài chính
Bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn chỉ biết gạt đi nước mắt khi thấy người thân bị bệnh nhưng không có tiền chữa chạy. Bao nhiêu hoàn cảnh vì suy giảm kinh tế mà thất nghiệp, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để duy trì miếng cơm manh áo,…
Nhưng nếu bạn có nhiều nguồn thu nhập khác nhau sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi xảy ra những sự cố bất ngờ. Đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng một hệ thống tài chính vững chắc và bền vững.
- Tối ưu hóa thời gian và năng suất
Khi có nguồn thụ động, chúng ta có thể cân nhắc giải phóng một phần thời gian để học hỏi, sáng tạo hoặc phát triển bản thân cho những dự án dài hơi hơn thay vì phải “chạy deadline” mỗi ngày để kiếm sống.
- Tận dụng sức mạnh của lãi kép
Đầu tư sớm vào các công việc có thể tạo ra nguồn thụ động, đặc biệt là đầu tư tài chính, cho phép bạn tận hưởng lợi ích của lãi kép theo thời gian. Tức là tiền sinh ra tiền và số tiền sinh ra đó tiếp tục tạo ra những nguồn thu nhập mới ổn định, lâu dài cho bạn và gia đình.
>>> Tham khảo ngay Lãi kép là gì? Sức mạnh không tưởng của lãi suất kép
>>> Tham khảo ngay Khi nào lãi kép phát huy tác dụng?
3.2. Thách thức

- Cần vốn đầu tư ban đầu
Hầu hết các hình thức thu nhập thụ động đều yêu cầu một khoản đầu tư ban đầu, với những hoạt động đặc biệt, số vốn thường lớn và rất lớn. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tốt, bạn sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng và không mang lại hiệu quả như mong đợi.
- Đòi hỏi kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn
Khác với thu nhập chủ động, nguồn thụ động không đến trong một sớm một chiều mà cần thời gian để nuôi dưỡng. Thời gian xây dựng có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, thậm chí là lâu hơn trước khi tạo ra dòng tiền ổn định. Vì vậy, đây cũng là một thách thức lớn cho những ai thường xuyên nóng vội.
- Yêu cầu kiến thức và kỹ năng chuyên môn
Để tạo nguồn thu thụ động bền vững, bạn cần trang bị kiến thức về về những hoạt động mà mình tham gia chẳng hạn như đầu tư, kinh doanh hoặc kỹ năng sáng tạo nội dung,… Việc thiếu hiểu biết có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến hiệu quả dòng thu nhập.
- Nguy cơ lừa đảo từ các mô hình “giả thu nhập thụ động”
Hiện nay tràn lan rất nhiều hội nhóm, mô hình lừa đảo “tiền đẻ ra tiền” nhanh chóng, lợi nhuận cao,… đánh vào tâm lý “muốn làm giàu nhanh” của nhiều người. Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo để phân biệt các bẫy tài chính do các tổ chức vẽ ra để tránh “tiền mất tật mang”.
4. Các hình thức thu nhập thụ động phổ biến hiện nay

4.1. Đầu tư tài chính
Cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản cho thuê hay quỹ đầu tư như ETF,… đều là những hình thức phổ biến giúp tạo ra thu nhập thu động.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu kỹ về các nền tảng, loại hình đầu tư và đặc biệt là nắm vững kiến thức, kỹ năng để đảm bảo hiểu rõ những gì mình đang làm, tránh những rủi ro không đáng có như trên.
Tham khảo ngay chương trình “Mở tài khoản Easy – Nhận cổ phiếu Free” và Tặng 100.000 VNĐ vào tài khoản giao dịch của DNSE. Bật mí, cổ phiếu tặng thuộc những tập đoàn hàng đầu Việt Nam hiện nay.

4.2. Xây dựng tài sản kỹ thuật số
Các tài sản kỹ thuật số như bán khóa học online, xuất bản ebook, thiết kế ấn phẩm bán trên các trang web nước ngoài,… cũng có thể giúp tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Hầu hết chỉ cần đầu tư chất xám ban đầu là bạn có thể kiếm tiền dài hạn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nếu sản phẩm vẫn đáp ứng nhu cầu người dùng.
4.3. Trở thành Influencer (KOL, KOC,…)
Nếu bạn có một tài năng để có thể trở thành người nổi tiếng, hãy tận dụng nó để tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Khi đó các nhãn hàng, thương hiệu,… sẽ tìm đến bạn để quảng bá hình ảnh của họ tới cộng đồng follow bạn.
Tiếp thị liên kết, lồng ghép quảng cáo sản phẩm trong các hoạt động hàng ngày,… tất cả đều có thể giúp bạn nhận hoa hồng hoặc tiền booking từ các thương hiệu. Gọi đơn giản là bạn đang “bán” hình ảnh để kiếm tiền nhưng không hề tốn công sức như các hoạt động thu nhập chủ động.
4.4. Gửi tiết kiệm ngân hàng
Một hình thức khá an toàn lại vô cùng đơn giản, dễ dàng mà ai cũng có thể làm được là gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ cần mở tài khoản tiết kiệm và chờ đợi đến kỳ hạn (hoặc có những khoản tiết kiệm không kỳ hạn) là bạn đã có thêm một nguồn thụ động.
Tuy nhiên, với hình thức này, chúng ta cần cân nhắc kỹ nên lựa chọn ngân hàng nào, mức lãi suất ra sao,… Đặc biệt, lãi suất tiền gửi hiện nay như BIDV, Vietcombank, Techcombank (cập nhật tháng 05/2025) khá thấp, chỉ dao động 4-5%/năm.
5. 4 bước xây dựng nguồn thụ động hiệu quả cho mọi lứa tuổi

5.1. Đánh giá & chuẩn bị nguồn lực
Để bắt đầu gây dựng thu nhập thụ động, chúng ta cần phải có sự đánh giá và chuẩn bị nguồn lực kỹ càng. Bao gồm tài chính, thời gian, kỹ năng và thậm chí là cả các mối quan hệ cần có,… để đảm bảo không bị ngắt quãng hoặc từ bỏ sớm.
Chẳng hạn:
- Muốn đầu tư tài chính cần có vốn
- Muốn kiếm tiền từ bản quyền chất xám cần có kiến thức và chi phí sản xuất ban đầu
- Muốn có tiền từ cho thuê bất động sản cần có nhà cho thuê, đất cho thuê, văn phòng cho thuê,…
Vậy nếu không có thì phải làm sao? Vậy nên chúng ta cần có khâu “chuẩn bị” trước đó. Đánh giá điểm mạnh – yếu, đam mê và học hỏi thêm. Hoặc kiếm thật nhiều tiền từ thu nhập chủ động để tiết kiệm và đầu tư,…
5.2. Lựa chọn mô hình phù hợp
Sau khi có sự đánh giá sơ bộ, chúng ta cần so sánh lợi ích và rủi ro từng loại hình để có quyết định đúng đắn nên lựa chọn hình thức nào phù hợp với nguồn lực nhất.
Tránh tư duy “làm giàu nhanh”, “việc nhẹ thu nhập cao”, “an nhàn hưởng thụ” mà không cần làm gì hết để rơi vào bẫy tài chính của các tổ chức lừa đảo. Đặc biệt, chúng ta cần lựa chọn mô hình đảm bảo đạt được mục tiêu tài chính đặt ra một cách khả thi.
5.3. Bắt tay triển khai và tối ưu dần
Có một lỗi mà mọi người thường mắc phải đó là “nói thì dễ, làm thì khó”. Chúng ta lập ra nhiều kế hoạch cho hành trình xây dựng tài chính cá nhân nhưng không chịu bắt tay vào làm. Hoặc thậm chí chỉ vừa làm đã muốn bỏ cuộc.
Vì vậy, chúng ta phải làm, phải kiên trì với mục tiêu đặt ra thì khả năng thành công mới cao. Ít cũng được, nhiều cũng được, chậm cũng được, nhanh cũng được, vừa làm vừa tối ưu và đảm bảo duy trì đều đặn, kiên trì, bám sát mục tiêu.
5.4. Theo dõi hiệu quả và điều chỉnh chiến lược
Như đã đề cập ở đầu bài, thu nhập thụ động không có nghĩa là cứ để im tiền sẽ đẻ ra tiền. Chúng ta cần phải có quá trình quan sát, theo dõi thực thi và đo lường tiến độ để đảm bảo đi đúng hướng. Nếu có bất cứ vấn đề gì phát sinh cần phải có hướng xử lý kịp thời để dòng tiền thụ động được duy trì ổn định và tránh ngắt quãng,…
6. Những hiểu lầm “tai hại” về thu nhập thụ động

- Thu nhập thụ động = không làm gì cũng có tiền
- Thu nhập thụ động có thể tạo ra một sớm một chiều
- Thu nhập thụ động thường không có rủi ro đi kèm
- Thu nhập thụ động chỉ dành cho người giàu
- Thu nhập thụ động giúp kiếm tiền trở nên dễ dàng
- Thu nhập thụ động là không cần phải đi làm nữa
… Tất cả những quan điểm trên đều là những góc nhìn lệch lạc về thu nhập thụ động. Đây là khoản tiền bạn có thể kiếm được ngay cả khi ngủ nhưng không có nghĩa là bạn không cần:
- Đầu tư vốn và chất xám ban đầu
- Dành thời gian trung hoặc dài hạn để tiền đẻ ra tiền
- Quản trị rủi ro tiềm ẩn để tránh ảnh hưởng mục tiêu tài chính
- Bắt đầu càng sớm càng tốt, không “đợi giàu” rồi mới “làm giàu”
- Nỗ lực, kiên trì vì kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng
- Và tất nhiên, dù là thu nhập gì chúng ta cũng cần đi làm để đảm bảo duy trì sự ổn định. Trừ trường hợp tự do tài chính sớm hơn dự tính hoặc nghỉ hưu.
7. Công cụ hỗ trợ thu nhập thụ động

“Ryan Hogue – Từ giáo viên đến thu nhập thụ động hơn 1,2 tỷ đồng/tháng”: Ryan Hogue, 35 tuổi, từng là giáo viên và làm hai công việc cùng lúc. Sau khi khám phá về loại thu nhập này, anh bắt đầu với việc bán áo phông in theo yêu cầu trên Amazon để tích lũy vốn.
Hiện tại, anh vẫn duy trì thu nhập từ kinh doanh sản phẩm in theo yêu cầu. Ngoài ra còn có nguồn thu nhập thụ động từ hoa hồng quảng cáo, lượt view trên kênh YouTube và các khóa học trực tuyến. Nhờ vậy tổng thu nhập lên tới 49.000 USD/tháng (tương đương 1,24 tỷ VNĐ).
Và một trong những điều góp phần tạo nên thành công này không chỉ nhờ tầm nhìn, kế hoạch và tính tuân thủ kỷ luật của bản thân mà Hogue thừa nhận anh đã tận dụng tối đa các công cụ hiện đại:
- Sử dụng AI để sản xuất nội dung & video, tạo ra nội dung thuyết trình cho các khóa học online như HeyGen, Gamma,…
- Tận dụng OmniReader, Gemini,… để đọc và tóm tắt tài liệu những lúc Hogue bận rộn với công việc kinh doanh
- Và một số công cụ khác giúp tối ưu các tác vụ thủ công trong quá trình làm kinh doanh và gây dựng thương hiệu cá nhân để gia tăng thu nhập thụ động…
Tóm lại, thu nhập thụ động không phải là giấc mơ viển vông, mà là chiến lược thông minh để tiến gần hơn đến tự do tài chính. Bằng cách đầu tư kiến thức, thời gian và sự kiên nhẫn ngay từ hôm nay, chúng ta có thể xây dựng những dòng thu nhập bền vững để tiền làm việc cho mình thay vì ngược lại.
Đừng quên theo dõi Series Tài chính cá nhân của DNSE để cập nhật nhiều kiến thức hay ho cho hành trang tự do tài chính của bản thân nhé!